Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc tiếp cận các thị trường xuất khẩu mới là giải pháp cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc kết nối thị trường và xác minh năng lực khách hàng ở nước ngoài cần có sự hỗ trợ của các bộ, ngành và văn phòng đại diện đặt tại các nước đó.
Trong khuôn khổ Hội chợ Quốc tế Thương mại, Du lịch và Đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây – Đà Nẵng 2023, ngày 4.8, Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng phối hợp với Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức “Hội nghị kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu – Đà Nẵng 2023”.
Hội nghị đã cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài, xu hướng và cơ hội phát triển thị trường xuất khẩu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu và xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược chặt chẽ giữa doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam với hệ thống phân phối nước ngoài.
Tại đây, ông Nguyễn Đức Huy – đại diện Công ty CP Vinafor Đà Nẵng và là Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Đà nẵng cho biết, tình hình sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp gỗ gặp nhiều khó khăn sau dịch bệnh và tình hình này khả năng sẽ kéo dài đến năm 2024, đặc biệt là việc xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ tại thị trường Hoa Kỳ, châu Âu.
Vì vậy, các doanh nghiệp trong Hiệp hội Gỗ Đà Nẵng đều mong muốn tìm kiếm thị trường mới, đưa sản phẩm vào các thị tường như Úc, Đông Âu… Để làm được điều đó, phía Hiệp hội mong muốn có thể kết nối trực tiếp với các đại diện Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia hoặc đầu mối của Bộ Công Thương.
Bởi, một cái khó của doanh nghiệp hiện nay là việc xác minh thông tin doanh nghiệp ở nước ngoài. Những thông tin trên internet không phải lúc nào cũng đúng và không hiển thị được doanh nghiệp đang hoạt động hay đã ngừng. Trong khi doanh nghiệp Việt Nam mất nhiều thời gian tìm hiểu doanh nghiệp đối tác phù hợp nhưng không chắc họ còn hoạt động hay không.
Vì vậy, doanh nghiệp rất cần dữ liệu được xác minh, xác thực bởi các cơ quan chức năng để kết nối hiệu quả hơn.
Ngoài ra, trước những khó khăn của doanh nghiệp nói chung hiện nay, ông Huy cũng đề xuất chính quyền thành phố cân nhắc việc giảm tiền thuê đất, phí sử dụng hạ tầng (hoặc giảm hoặc dãn qua sang năm) để doanh nghiệp có thể xoay sở vượt qua giai đoạn này.
Ông Lê Hoàng Khánh Nhật – Tổng Giám đốc Công ty CP Cao Su Đà Nẵng cũng cho rằng trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm thì việc đa dạng thị trường xuất khẩu là cách giúp doanh nghiệp vượt khó.
“Chính các doanh nghiệp phải chủ động tìm đối tác phù hợp với sản phẩm của mình, đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn các quốc gia đó. Bên cạnh đó, cơ hội tăng trưởng thị trường xuất khẩu không thiếu nhưng cũng cần sự hỗ trợ của cơ quan ban, ngành.
Hàng năm, Bộ Công Thương đều có những chương trình quảng báo, xúc tiến thương mại tại các quốc gia, tôi kiến nghị Bộ nên ưu tiên xét chọn các doanh nghiệp đã được Chính phủ công nhận các sản phẩm mang thương hiệu quốc gia để có cơ hội kết nối và đưa sản phẩm ra với các thị trường quốc tế” – ông Nhật chia sẻ.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-can-ho-tro-ket-noi-xac-minh-khach-hang-o-thi-truong-quoc-te-1224903.ldo?gidzl=Q0PG9gAt7tzf75aeggWMUMSVLIop_X5xB4y5B-JoHNei4mPvvV8IBIr0Kotk_HDy9401UJNwXNTXexGKSW