Thị phần đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam tăng trong tổng lượng nhập khẩu của Đức.
Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), trong nửa đầu năm 2022, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Đức đạt 930,2 nghìn tấn, trị giá 2,9 tỷ Eur (tương đương 2,8 tỷ USD), giảm 4,6% về lượng và tăng 7,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Về thị trường, Đức nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ chủ yếu từ thị trường Ba Lan trong nửa đầu năm 2022, đạt 408,8 nghìn tấn, trị giá 1,16 tỷ Eur (tương đương 1,1 tỷ USD), giảm 0,3% về lượng và tăng 10,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ trọng nhập khẩu từ Ba Lan chiếm 43,9% tổng lượng nhập khẩu.
Tuy nhiên, thị trường Ba Lan đang có xu hướng giảm sản xuất do thiếu nguồn nguyên liệu, cộng với chi phí vận chuyển và nguyên liệu tăng khiến giá thành phẩm cao và khó bán tại thị trường nội khối, đây là cơ hội để các thị trường xuất khẩu ngoài khối EU, trong đó có Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Đức.
Tiếp theo là thị trường Trung Quốc đạt 90,1 nghìn tấn, trị giá 298,4 triệu Eur (tương đương 286,5 triệu USD), giảm 10,4% về lượng, nhưng tăng 16,3% về trị giá, tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 6,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp tục thực hiện chính sách “Zero Covid” là nguyên nhân chính khiến hoạt động xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Trung Quốc tới thị trường Đức bị gián đoạn.
Đáng chú ý, mặc dù Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 10 cho Đức, nhưng lượng và trị giá nhập khẩu từ Việt Nam đều tăng trong nửa đầu năm 2022. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam tăng 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021. So với nhu cầu nhập khẩu của Đức, Việt Nam mới chỉ cung cấp đồ nội thất bằng gỗ với tỷ trọng nhỏ, vì vậy vẫn còn nhiều cơ hội để các doanh nghiệp khai thác thị trường này.
Về mặt hàng, đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, ghế khung gỗ, đồ nội thất phòng ngủ đều là những mặt hàng chính Đức nhập khẩu trong nửa đầu năm 2022, lượng nhập khẩu 3 mặt hàng này của Đức chiếm 90,3% tổng lượng đồ nội thất bằng gỗ nhập khẩu.
Đây cũng là những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh, tuy nhiên tỷ trọng cả về lượng và trị giá những mặt hàng này trong tổng nhập khẩu của Đức vẫn còn thấp. Do đó, các doanh nghiệp cần tập trung khai thác những mặt hàng này để mở rộng thị phần tại thị trường Đức trong thời gian tới.
Nguồn: Gỗ Việt