Ngành gỗ tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh dịch bệnh

(ĐCSVN) – Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nhưng những tháng gần đây, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã ghi nhận mức tăng trưởng liên tục và dự kiến sẽ cán mốc 12 tỷ USD trong năm nay. Đây là điều đáng ghi nhận đối với sự nỗ lực của ngành lâm nghiệp và các doanh nghiệp.

Ngành gỗ kỳ vọng vẫn đạt giá trị xuất khẩu cao trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19. (Ảnh minh họa: ĐH)

Lấy lại đà tăng giá trị xuất khẩu

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), 7 tháng năm 2020, lũy kế xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ ước đạt 6,09 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2019. Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục là 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020, chiếm 84,3% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Không chỉ riêng 7 tháng, 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đã ghi nhận mức tăng 2,3% so với cùng kỳ.

Ở mặt hàng gỗ dán, nhìn chung, trong 5 năm trở lại đây đạt tốc độ phát triển nhanh với mức tăng trưởng bình quân 31%/năm. Kể từ 2015, đã có 42 dự án FDI đầu tư mới vào ngành công nghiệp gỗ dán của Việt Nam. Trong giai đoạn vừa qua, xuất khẩu gỗ dán từ Trung Quốc sang Mỹ giảm trong khi xuất khẩu gỗ dán từ Việt Nam sang Mỹ lại tăng trưởng mạnh mẽ.

Xuất khẩu gỗ và lâm sản dự kiến sẽ đạt được nhiều kết quả cao hơn nữa khi tham gia vào “sân chơi lớn” – Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA). Hiệp định đi vào thực thi giúp Việt Nam có thêm 17% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU hưởng thuế 0%. Trong đó, các mặt hàng thuộc mã từ 4401 – 4409, EU áp thuế từ 2 – 4%; các mặt hàng thuộc mã HS 4414/15/18/20/21, EU áp thuế từ 2,5– 4% sẽ hưởng thuế 0% ngay sau khi Hiệp định thực thi. Hiện nay, nhóm các mặt hàng này đang chiếm 10% giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Nhóm mặt hàng chiếm 7% tổng giá trị xuất khẩu sang EU, gồm: đồ nội thất sử dụng trong nhà bếp, bộ phận đồ gỗ, đồ nội thất kết hợp với vật liệu khác với mức thuế áp dụng trước Hiệp định là từ 2,7 – 5,6% về 0% khi Hiệp định có hiệu lực. Cơ hội mang lại cho ngành gỗ không chỉ ở góc độ xuất khẩu mà còn ở khía cạnh tiếp cận máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại, lợi ích từ nguồn nguyên liệu gỗ tốt, xuất xứ rõ ràng… Cùng với sự hỗ trợ từ phía Chính phủ và các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cũng cần xem xét các tiêu chuẩn áp dụng của thị trường EU, tìm kiếm các đối tác để tận dụng cơ hội rất lớn trước mắt này.

Mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi về mức thuế, ông Phạm Văn Điển – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cũng lưu ý đến thách thức khi phải đảm bảo thật tốt nguồn gốc xuất xứ, tính hợp pháp của sản phẩm.

“Từ cơ hội lớn này sinh ra việc có thể bị gian lận xuất xứ. Và khi gian lận xuất xứ sẽ bị phạt khi xuất khẩu. Hình thức phạt bằng cách tăng mức thuế nhập khẩu từ Việt Nam sang châu Âu, có thể lên đến vài trăm phần trăm. Thêm một thách thức nữa là nằm ở chính cách làm của chúng ta còn có nhiều vấn đề về liên kết chuỗi cũng như việc ứng dụng khoa học công nghệ của chúng ta chưa theo kịp với thế giới. Hai mặt bằng khác nhau nhưng vào cùng một sân chơi thì đó là vấn đề mà chúng ta phải nỗ lực” – Ông Phạm Văn Điển phân tích.

Để góp phần gỡ khó cho các doanh nghiệp khi tham gia sân chơi này, ông Điển cho biết, Tổng cục Lâm nghiệp đã tham mưu cho Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng Chính phủ xây dựng một Nghị định riêng về chính sách bảo vệ, phát triển rừng cũng như thúc đẩy chế biến xuất khẩu, thương mại lâm sản.

“Đây là một Nghị định khi được hoàn thành vào thời gian tới, khoảng năm 2021, 2022, sẽ là một Nghị định tương đối đầy đủ toàn diện, hệ thống tất cả các khía cạnh mà cần có chính sách cho bảo vệ phát triển rừng cũng như thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp phát triển” – Ông Điển cho hay.

Triển vọng giá trị xuất khẩu trong bối cảnh dịch COVID-19

Hiện nay, dưới tác động của dịch COVID-19, nhiều mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu giảm, tuy nhiên, với xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, với sự chuẩn bị của các doanh nghiệp từ đợt ảnh hưởng trước cùng với một số lợi thế, giá trị xuất khẩu của gỗ và sản phẩm gỗ kỳ vọng vẫn sẽ tiếp tục đạt được các con số tăng trưởng cao trong các tháng cuối năm 2020.

 “Với đặc thù và lợi thế của lâm nghiệp, chủ yếu xuất khẩu bằng đường biển, vì vậy, ít bị ảnh hưởng hơn so với các mặt hàng khác đi bằng đường hàng không. Một vấn đề nữa là COVID-19 ảnh hưởng đến năng lực và nhu cầu tiêu thụ, về điều này đã được dự báo, tuy nhiên, tính đến thời điểm nay, xuất khẩu lâm sản vẫn tăng so với năm 2019” – Ông Phạm Văn Điển cho biết.

Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu lâm sản và trong lĩnh vực lâm nghiệp nói chung đã được hỗ trợ theo các gói của Chính phủ ngay từ đợt 1. Bên cạnh đó, những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp và hiệp hội liên quan đến các khó khăn, tiêu biểu như việc xếp loại sản phẩm gỗ theo các mã số để tính thuế theo đúng quy định của pháp luật và có lợi cho doanh nghiệp đã được các bộ, ngành, trong đó có Bộ NN&PTNT giải quyết.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đã có những khuyến cáo cho doanh nghiệp, cần đổi mới, sáng tạo và đảm bảo tuân thủ nguồn gốc, xuất xứ. Điều này sẽ giúp tránh được một số rắc rối về mặt thương mại. Về vấn đề này, ông Phạm Văn Điển cho biết, hiện nay, Hàn Quốc, Mỹ đã có điều tra đối với một số doanh nghiệp, về phía Tổng cục Lâm nghiệp đã thông báo và cùng trao đổi các giải pháp để giải quyết.

Đặc biệt, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hạn chế việc đi lại, tiếp xúc giữa con người với con người, các doanh nghiệp chế biến gỗ đã sáng tạo khi đã nghĩ ra các hội chợ online, đặt đơn hàng theo online. Trong đó, với các chợ gỗ giới thiệu sản phẩm trên mạng, người mua và người bán đều biết về sản phẩm, các thông tin về quy cách, chế biến xuất khẩu,… Đây là cách làm đã mang lại hiệu quả thấy rõ cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ, lâm sản trong thời gian qua, giúp ngành gỗ tiếp tục duy trì việc mua, bán, có thêm các đơn hàng từ phía đối tác. Đây cũng là sự chuẩn bị khởi đầu của ngành công nghiệp tỷ đô này để thích ứng trong các bối cảnh mới.

Về vấn đề này, ông Phạm Văn Điển nhận định: “Thích ứng luôn là suy nghĩ thường trực trong đầu của mọi doanh nghiệp cũng như trong quản lý ngành. Một trong những giải pháp rất quan trọng và cũng là xu thế của thế giới, không hẳn là dưới tác động của COVID-19 nhưng COVID-19 đã thúc đẩy nhanh hơn quá trình này. Đó là quá trình chuyển đổi số, quá trình giao dịch online điện tử, để vừa thích ứng với dịch COVID-19 vừa đảm bảo khách quan và thuận lợi chung cho mọi người trong mọi tình huống”.

Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết thêm, ngay từ đầu tháng 3/4, ngành lâm nghiệp đã cùng các hiệp hội, doanh nghiệp bàn các giải pháp để ứng phó với dịch COVID-19. Điều đầu tiên quan trong trong bối cảnh dịch bệnh là đảm bảo an toàn trong các cơ sở sản xuất. Thứ nữa là chủ động để giữ thị trường quốc tế. Điều này ghi nhận cố gắng rất lớn của các doanh nghiệp với việc 7 tháng năm 2020, xuất khẩu lâm sản vẫn tăng hơn so với cùng kỳ 2019, đạt ngưỡng xấp xỉ 6,1 tỷ USD.

“Với việc giữ được các đơn hàng quốc tế, chúng tôi tin rằng trong năm nay với những giải pháp quyết liệt của Chính phủ, ngành công nghiệp chế biến gỗ vẫn giữ được kim ngạch xuất khẩu cao hơn năm trước từ 1,5-1,7 tỷ USD, đồng nghĩa với việc vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng như mọi năm, và đạt ngưỡng khoảng 12 tỷ USD trong năm nay” – Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn cho hay./.

Nguồn: Website dangcongsan.vn