HỘI NGHỊ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỚI DOANH NGHIỆP: TIẾP SỨC PHỤC HỒI, TĂNG TỐC PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Sáng 9/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị với doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” theo hình thức trực tuyến. Hội nghị được kết nối với 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu các bộ, ngành, trong đó có Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

                                        Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp tại điểm cầu Hà Nội

Diễn ra trong “trạng thái bình thường mới”, Hội nghị được tổ chức theo hình thức đặc biệt với quy mô tiếp cận lớn nhất từ trước tới nay, được truyền hình trực tuyến với 63 điểm cầu tỉnh, thành phố, 30 điểm cầu các bộ, ngành cùng 800.000 doanh nghiệp trên toàn quốc, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước theo dõi.

Đây là hội nghị lần thứ 4 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, được đánh giá là Hội nghị Diên Hồng trong bối cảnh nền kinh tế như “lò xo nén lại” vì dịch Covid-19 và nay đang chờ bật lên, tái khởi động khi dịch bệnh đã cơ bản được đẩy lùi tại Việt Nam.

Tăng tốc cho phát triển

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng nhận định, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, dịch bệnh đã làm ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu trong đó có Việt Nam. Trước thách thức của dịch bệnh, Việt Nam đã theo đuổi chiến lược mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển để ngọn lửa tăng trưởng vẫn có thể bùng lên trở lại khi dịch được kiểm soát.

Khẳng định khi nhịp đập xã hội dần trở lại bình thường, nhịp đập kinh tế sẽ như lò xo bị nén lại giờ bật tăng. Thủ tướng nêu rõ phải tập trung hơn nữa, khởi động nền kinh tế Việt Nam phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%, đồng thời phải kiểm soát lạm phát dưới 4%. Muốn vậy, Thủ tướng cho rằng, cần tập trung vào “5 mũi giáp công”: Thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân; thu hút FDI; đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư công và khuyến khích tiêu dùng nội địa.

Với tinh thần đó Thủ tướng mong muốn Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp phải thể hiện được tinh thần yêu nước, yêu nước thì phải hành động, phải có quyết tâm mạnh mẽ trong điều kiện mới. Tuy nhiên, hội nghị này không phải là dịp để “than nghèo kể khổ, không phải kể lể, than vãn về những khó khăn của doanh nghiệp” mà phải hiến kế với Chính phủ.

“Các bộ, ngành phải “xắn tay” vào; các địa phương cần tháo gỡ trực tiếp cho doanh nghiệp. Một tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, kiến tạo phát triển, dựa vào sức mạnh của gần 100 triệu dân” – Thủ tướng lưu ý và yêu cầu tăng cường quản lý cán bộ để “chống lại sự vô cảm, tiêu cực, nhũng nhiễu gây khó dễ cho người dân và doanh nghiệp”; phải sử dụng công nghệ thông tin tốt hơn trong quản lý, điều hành.

Với các doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị nên có 6 nhân tố lúc này là yêu Tổ quốc, đoàn kết, không nản chí, chủ động, sáng tạo và giữ vững niềm tin. Hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã vươn tầm quốc tế nhưng chưa có doanh nghiệp lọt vào top 500. “Tôi hy vọng 25 năm nữa Việt Nam sẽ xuất hiện những đế chế như Google, Alibaba…không gì là không thể” – Thủ tướng nói.

Nỗ lực sáng tạo vượt qua khủng hoảng

Báo cáo về tác động của dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Lực lượng doanh nghiệp là bộ phận quan trọng của nền kinh tế và hiện đang phải chịu rất nhiều tổn thất vì dịch bệnh. Doanh nghiệp trong nhóm bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất là du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn, giáo dục… rơi vào tình trạng “ngủ đông” suốt 3 tháng qua. Nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, thời gian qua cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực để thích ứng, vượt khó. “Bằng chứng là nhiều sáng kiến của doanh nghiệp đã được triển khai để khắc phục những tác động tiêu cực của dịch bệnh” –  Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nhận định.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Lê Tiến Trường phát biểu tại điểm cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Chia sẻ kinh nghiệm vượt khủng hoảng của doanh nghiệp tại Hội nghị ở điểm cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ông Lê Tiến Trường – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam thuộc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước cho hay: Tập đoàn nhận thức rõ, khi đại dịch đến, khó khăn sẽ xảy ra với tất cả các nền kinh tế trên thế giới. Các ngành kinh tế đều bị ảnh hưởng tiêu cực, nhất là các ngành có mức độ hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu như dệt may. Khủng hoảng chắc chắn sẽ có “tổn thương”, vấn đề là mỗi doanh nghiệp cần xác định đúng mục tiêu ưu tiên, các tài sản cần bảo vệ. Doanh nghiệp cần chủ động, sáng tạo, có liên kết hỗ trợ lẫn nhau để vượt qua tổn thương. Chia sẻ về các hoạt động cụ thể của Tập đoàn trong thời điểm diễn ra dịch bệnh, ông Trường cho hay, Tập đoàn xác định 2 tài sản lớn nhất cần bảo vệ bằng mọi biện pháp đó là lao động và vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Với lao động, các doanh nghiệp ngành dệt may gần như không chọn giải pháp cho ngừng việc hưởng hỗ trợ, mà chọn hướng đi. Cụ thể là sản xuất mọi mặt hàng có thể làm được trên trang thiết bị công nghệ hiện có, ưu tiên đủ chi phí trả lương trên mức tối thiểu cho toàn bộ người lao động. Doanh nghiệp chấp nhận có khấu hao không đầy đủ và thiếu nhiều chi phí quản lý chung. Thực hiện kế hoạch sản xuất linh hoạt, làm 3 ca khi có nhu cầu, nghỉ bù khi thiếu đơn hàng. Tổ chức sản xuất 40 giờ/tuần thay vì 54 giờ/tuần như trước kia để đảm bảo 100% lao động có việc làm dù thu nhập có thấp đi. Với chuỗi cung ứng, nếu không có các hoạt động liên tục mang tính chia sẻ cao thì khó duy trì được vị trí, mức độ ưu tiên khi thị trường từng bước hồi phục nhưng vẫn thấp hơn trước khủng hoảng.

Tập đoàn chủ động là đầu mối tổ chức sản xuất nhanh các mặt hàng mới như khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế để đưa ra thị trường; phối hợp với các hiệp hội các nhà sản xuất, vận động thuyết phục các nhà mua hàng lớn trên thế giới chia sẻ với doanh nghiệp sản xuất…

Ông Trường cho rằng, việc Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh và nỗ lực sáng tạo của doanh nghiệp cũng đã hạn chế được ảnh hưởng tiêu cực chung của thị trường. Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp, Tập đoàn đã khắc phục được 50% mức suy giảm so với dự kiến. Các doanh nghiệp ngành dệt may luôn duy trì trạng thái sẵn sàng hoạt động bình thường ngay khi thị trường ổn định trở lại. Để khôi phục nhanh sản xuất như trước thời điểm diễn ra dịch bệnh, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đề xuất được miễn bảo hiểm xã hội và công đoàn phí từ tháng 5-12/2020; các ngân hàng có phương pháp đánh giá linh hoạt, giãn các khoản nợ đầu tư cho doanh nghiệp . Chính phủ cần phê duyệt và chuẩn bị nhanh các hướng dẫn của EVFTA để doanh nghiệp được hưởng lợi các ưu đãi thuế quan…

Với tinh thần quyết tâm vượt khó, có chí tiến thủ, chung sức đưa kinh tế đất nước bật dậy, tại điểm cầu Hà Nội, ông Dương Quang Thành – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid, mặc dù nhu cầu điện giảm, nhưng do hạn hán nên sản lượng thủy điện chỉ đạt 11,6 tỷ kWh, giảm 36,5% so cùng kỳ 2019. Vì vậy, EVN huy động tối đa các nguồn nhiệt điện, trong đó huy động nhiệt điện dầu trên 1 tỷ kWh, tăng 2,5 lần so cùng kỳ 2019. Công tác đầu tư các dự án điện bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch Covid-19, tuy nhiên, EVN đã đưa vào vận hành thương mại Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng (688MW), đóng điện kịp thời các công trình lưới điện cấp thiết để giải tỏa nguồn năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận, Bình Thuận nên cơ bản giảm quá tải lưới điện, tăng sản lượng điện sản xuất từ các nhà máy điện mặt trời.

EVN đã đẩy mạnh việc cung ứng các dịch vụ điện trực tuyến; hỗ trợ giảm tiền điện trên 28,62 triệu khách hàng. Về đảm bảo cấp điện các tháng còn lại năm 2020 và giai đoạn 2021 – 2025, EVN xây dựng kế hoạch để đảm bảo cung ứng điện các tháng còn lại với nhu cầu điện theo đúng kế hoạch đầu năm đã được phê duyệt. Tập đoàn cam kết đảm bảo đủ điện cho hoạt động sản xuất khi tái hoạt động và mở rộng quy mô, đáp ứng nhu cầu điện giai đoạn 2021-2025.

Để đảm bảo cung ứng điện toàn quốc góp phần phục vụ hồi sản xuất và tăng trưởng kinh tế sau đại dịch, EVN đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phối hợp với các đơn vị điện lực tăng cường tuyên truyền, kiểm tra giám sát việc thực hiện tiết kiệm điện; đề nghị UBND các tỉnh, thành tiếp tục hỗ trợ và khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái, góp phần bổ sung thu nhập của người dân để giải quyết một phần khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.

Giải quyết, xử lý nhanh các kiến nghị, vướng mắc, tạo cơ hội cho doanh nghiệp

Trả lời các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp và đưa ra các giải pháp tại Hội nghị, Bộ Tài chính đề xuất chính sách trong lĩnh vực tài khóa, thuế, phí; Ngân hàng Nhà nước về tiền tệ, tín dụng, lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thông tin giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động; Văn phòng Chính phủ có giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, cung cấp dịch vụ công trực tuyến…

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đã xác lập trạng thái bình thường mới để tập trung thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Covid-19 là đại dịch, nhưng là cơ hội phát triển Việt Nam nếu biết tổ chức kinh doanh tốt, hợp tác tốt, doanh nghiệp không được trông chờ, ỷ lại phát triển mà phải được tái cơ cấu, nâng cao trình độ phát triển bền vững.

Thủ tướng yêu cầu các bên liên quan lắng nghe ý kiến của đại biểu, nhà đầu tư, để có tham mưu giúp Chính phủ đưa ra Nghị quyết tốt nhất tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện phát triển, trong đó tập trung cải thiện tình hình kiểm soát, tăng cường hậu kiểm, làm nhanh các thủ tục, tháo gỡ vướng mắc doanh nghiệp phát triển, đặc biệt quan tâm doanh nghiệp, người lao động yếu thế.

Các cơ quan nhà nước cần quan tâm xử lý kiến nghị doanh nghiệp nhanh hơn, thuận lợi hơn, không được đổ qua đổ lại, chậm và làm mất thời cơ kinh doanh của doanh nghiệp…

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng Chủ tịch UBND, các Bộ trưởng phải xử lý nhanh kiến nghị, tháo gỡ cho doanh nghiệp, theo đó cần giữ lao động, giữ thị trường và phát triển thị trường, giữ danh dự, bản lĩnh và doanh nhân Việt Nam. Các doanh nghiệp cần triển khai cải cách và tái cơ cấu cho phù hợp trong thời gian tới.

Bên cạnh chương trình hành động được xây dựng, các cơ quan nhà nước cần quan tâm xử lý là tạo môi trường tốt doanh nghiệp, hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp về chính sách.

Đặc biệt các doanh nghiệp mong muốn cần giữ vĩ mô, giữ lạm phát, giữ giá trị đồng VND, không hình sự hoá quan hệ kinh tế, dân sự, kiểm tra thanh tra nhiều quá ảnh hưởng phát triển doanh nghiệp, nâng cao đạo đức công vụ, tạo mọi thuận lợi cho phát triển, phát triển nhanh dịch vụ logistics, hạ tầng.

Nhà nước và doanh nghiệp hối hợp đào tạo nguồn nhân lực. Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ở Việt Nam gắn với niềm tự hào dân tộc, lửa thử vàng gian nan thử sức, khó khăn hai phải cố gắng ba, nhất là khi dịch bệch vẫn còn. Thủ tướng kêu gọi cùng đoàn kết, quyết tâm để thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển.

                                                                  Theo Cổng thông tin điện tử Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
                                                                                      ST Website Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam- Công ty cổ phần